Thời phụ hoàng Lý Biện Lý Cảnh (Nam Đường)

Mùa đông 937, Từ Tri Cáo ép Dương Phổ nhường ngôi cho mình, kết thúc triều Ngô, lập ra triều Tề[16][18]. Trong khoảng thời gian đó, Từ Cảnh Thông được phong làm Chư đạo đô thống, tức là tổng chỉ huy các trấn toàn quốc, không lâu sau được lập làm Thái úy, Thượng thư lệnh, phong hiệu Ngô vương. Tên của ông cũng được đổi từ Cảnh Thông thành Cảnh. Năm 938, ông được cải phong làm Tề vương.[17]

Năm 939, Từ Tri Cáo đổi về họ cha ruột của mình là Lý, cải danh thành Biện[19]. Đổi quốc hiệu từ Tề thành Nam Đường.[18] Từ Cảnh và những người khác trong hoàng gia (trừ các con ruột của Từ Ôn) cũng đổi thành họ Lý. Lý Biện ra lệnh rằng chính sự trong nước giao cho Lý Cảnh quyết định, nhà vua chỉ trực tiếp xử lí những vấn đề quân sự quan trọng. Cuối năm đó, Lý Biện muốn lập Lý Cảnh làm thái tử, nhưng ông từ chối, thay vào đó Lý Biện tấn phong ông một danh hiệu cao quý là Đại Nguyên soái, nắm quyền chỉ huy quân đội toàn quốc, hàm Thái úy, Lục Thượng thư sự, thống lĩnh chính vụ quốc gia, và thứ sử các châu Dương và Thăng (Nam Kinh và Giang Đô). Mùa thu năm 940, Lý Biện lập ông làm Hoàng thái tử, vẫn giữ cho ông làm Đại Nguyên soái, Lục Thượng thư sự nhưng ông lại từ chối, và do đó Lý Biện bằng lòng nhưng ra lệnh cho các quan phải dùng lễ đối với ông như thể là thái tử. Cuối năm 940, đạo sĩ Tôn Trí Vĩnh nói rằng Lý Biện nên tuần du Giang Đô. Lý Biện bằng lòng, để Lý Cảnh ở lại làm nhiếp chính ở Kim Lăng trong khi mình đi tuần du. Nhà vua đã ở đó một thời gian, nhưng sau thấy nơi này không thuận lợi vì có băng tuyết đóng đầy, nên sớm quyết định trở về Kim Lăng.[19]

Năm 942, khi Tống Tề Khâu phàn nàn rằng mình không có nhiều thực quyền, Lý Biện trao cho ông ta quyền cai quản Thượng thư tỉnh, trong khi em trai của Lý Cảnh là Lý Cảnh Toại được trao quyền thống lĩnh Trung thư tỉnh và Hạ thư Tỉnh; và Lý Cảnh làm giám quan của hai người này. (Tuy nhiên, cục diện này không kéo dài khi cuối năm này, người phụ tá của Tề Khâu là Hạ Xương Đồ bị buộc tội ăn hối lộ, nhưng Tề Khâu không muốn xử chết ông ta. Lý Biện trong cơn giận dữ đã lệnh chém đầu của Xương Đồ, và Tề Khâu oán hận và xin trí sĩ.)[20]

Tuy nhiên trong mấy năm này, Tống Tề Khâu thường tán tụng em trai Lý Cảnh là Lý Cảnh Đạt, và Lý Biện cũng đánh giá rất cao và từng muốn lập làm người kế vị. Tuy nhiên, vì Lý Cảnh đã trưởng thành, nên ngôi thái tử của ông được ổn định. Vì lý do này mà Lý Cảnh rất bực bội với Tề Khâu. Một lần Lý Biện đến nhà của Lý Cảnh, nhìn thấy ông cùng gia nhân đàn ca hát xướng — thứ mà Lý Biện coi là phù phiếm, do đó suốt mấy ngày liền Lý Cảnh bị trách phạt. Người thiếp yêu của Lý Biện là Chủng thị, sinh được ấu tử Lý Cảnh Thích, nhân cơ hội thuyết phục Lý Biện phế Lý Cảnh mà lập Lý Cảnh Thích làm thái tử — tuy nhiên Lý Biện giận mắng rằng, "Con của ta phạm lỗi, thì ta trách phạt hắn là chuyện thiên kinh địa nghĩa. Nhà ngươi là đàn bà, sao dám dự vào việc nước?" Bèn đuổi Chủng thị đi và cho phép tái giá. Trong khi đó, các quan dưới quyền Lý Cảnh là Trần GiácPhùng Diên Tị có quan hệ thân thiết với Tống Tề Khâu và tìm cách tống cổ những người không ăn cánh ra khỏi triều. Cả Thường Mộng TíchTiêu Nghiễm tố cáo với Lý Biện việc Trần Giác lạm dụng quyền lực, và sử sách cho rằng Lý Biện coi những tố cáo này là đúng, tuy nhiên khi ông chưa có hành động gì thì bất giờ ngã bệnh vào mùa xuân năm 943 do lạm dụng đan dược mong muốn trường sinh.[20] Ngày 30 tháng 3,[4] Lý Biện triệu Lý Cảnh đến giường bệnh, phó thác việc nước rồi qua đời. Lý Cảnh không lập tức phát tang, thay vào đó cho viết chiếu nhân danh Lý Biện phong Lý Cảnh làm nhiếp chính rồi hạ lệnh đại xá. Trong khi đó đại thần Tôn Thịnh đề phòng Trần Giác lạm quyền khống chế vua mới, do đó tuyên bố rằng di ngôn của Lý Biện là muốn Tống hoàng hậu làm nhiếp chính cho Lý Cảnh, nhưng khi đại thần Lý Di Nghiệp chỉ ra rằng Lý Biện không muốn phụ nữ chấp chính, và nói rằng nếu có chiếu chỉ như vậy thì ông ta sẽ xé bỏ chiếu đó, Tôn Thịnh nghe theo. Không lâu sau, Lý Cảnh tuyên bố phụ thân qua đời, và sau đó lên kế vị.[20]